Vì sao phải thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, thì chống tham nhũng mới thành công?

Truyền thông nhà nước đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng, truy tố bị can Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, với các tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, và tội “nhận hối lộ”.

Đây được đánh giá là một điểm sáng, đồng thời cũng là sự khác biệt “cơ bản”, trong chính sách chống tham nhũng, tiêu cực, giữa Tổng Bí thư Tô Lâm, và người tiền nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng.

Chống tham nhũng theo kiểu Tổng Bí thư Trọng, dựa theo quy định: các lãnh đạo từ cấp ủy viên Trung ương trở lên, nếu dính dánh đến việc tham nhũng và bị phát hiện, sẽ được phép “chủ động” làm đơn xin thôi chức, nộp lại 2/3 tài sản tham nhũng, thì sẽ được miễn xử lý hình sự, mà chỉ bị xử lý hành chính, hay kỷ luật trong nội bộ Đảng.

Đúng ra, ông Trọng phải chỉ đạo phải xử lý đúng pháp luật, thậm chí phải truy tố hình sự, và tịch thu tài sản để xung công. Nhưng ông Trọng lại dùng phương châm, “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”, hay “chúng ta chẳng sung sướng gì khi kỷ luật đồng chí của mình”. Thậm chí, chủ trương này còn được Tổng Bí thư Trọng cho nghị quyết hóa, bằng chỉ thị số 20/TB – BCT, ngày 8/9/2022, để áp dụng rộng rãi trong nội bộ Đảng.

Trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương trên, thực chất là chính sách khuyến khích lãnh đạo tham nhũng, ăn cắp của công, từ tiền thuế của người dân.

Việc cựu Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, chỉ riêng trong vụ án Xuyên Việt Oil, đã nhận hối lộ lên tới 600.000 USD, và nhiều tài sản đắt tiền khác. Trong hơn 4 năm, từ khi làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng VietinBank và Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, ông Thọ đã nhiều lần nhận hối lộ, nhận quà, từ bị can Mai Thị Hồng Hạnh.

Riêng trong thời gian ông Thọ giữ chức Bí thư Bến Tre, bị can Mai Thị Hồng Hạnh đã biếu cho Bí thư Thọ 200.000 USD, 300 triệu đồng, một xe ô tô Mercedes S450 gần 7 tỉ đồng, và đồng hồ Patek Philippe, bộ gậy golf mạ vàng đắt tiền. Đổi lại, ông Thọ và các cán bộ ở Bộ Công thương, đã tạo điều kiện cho Xuyên Việt Oil gây thất thoát 1.463 tỉ đồng tài sản nhà nước.

Cùng vụ với Bí thư Lê Đức Thọ, còn có hàng loạt các lãnh đao khác, như: Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận 50.000 USD; Vụ trưởng Trần Duy Đông nhận 250.000 USD, Vụ phó Nguyễn Lộc An nhận hối lộ 4 lần, tổng cộng hơn 921 triệu đồng, từ bị can Mai Thị Hồng Hạnh – bà chủ Xuyên Việt Oil.

Kết luận điều tra còn cho biết, khi công an khám xét nhà ông Lê Đức Thọ, đã tạm thu giữ 97 miếng kim loại màu vàng nghi là vàng, và đang cho kiểm định, 134 sổ tiết kiệm tại các ngân hàng, bốn sổ đỏ, một xe Mercedes Benz; ba bộ gậy golf hiệu Honma; 10 đồng hồ đeo tay đắt tiền Patek Philippe, có những chiếc giá trị gần 10 tỷ đồng, cùng một số tài sản có giá trị khác.

Ngoài ra, vẫn theo kết luận điều tra, còn nhiều tài sản khác có giá trị rất lớn, nhưng cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Lê Đức Thọ. Công luận đặt câu hỏi về việc kê khai tài sản của Bí thư Bến Tre Lê Đức Thọ, đã được tiến hành như thế nào, mà để “sót” nhiều tài sản đắt tiền như vậy?

Theo giới thạo tin, Bí thư Lê Đức Thọ bị xử lý kỷ luật, vì bị các đồng chí của mình cáo giác có số dư hơn 3 ngàn tỷ, trong các tài khoản ngân hàng, và không giải trình được. Đó là chưa kể đến số cổ phần, hay trái phiếu với giá trị khoảng hơn 1 ngàn tỷ.

Mục tiêu cao nhất của việc chống tham nhũng, là thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, hối lộ của các quan tham, thì chống tham nhũng mới thực sự thành công. Đồng thời, việc xử lý tội phạm nhận hối lộ, tham nhũng cũng phải làm theo quy định của pháp luật.

 

Trà My – Thoibao.de