Thấy gì qua chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tô Tổng?

Ngày 15/8, BBC Tiếng Việt bình luận “Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đi Trung Quốc: những điểm đáng chú ý?”.

BBC cho biết, theo thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tô Tổng và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, từ ngày 18 đến 20/8.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm, trên cương vị Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư.

Theo BBC, chuyến thăm này được cho là để khẳng định mối quan hệ bền chặt, giữa 2 nước anh em đồng chí Cộng sản.

Trung Quốc và Việt Nam có nền chính trị với nhiều điểm tương đồng, là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, nhưng cũng có nhiều mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông.

BBC dẫn nhận định của ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, có trụ sở ở Washington DC, Mỹ, cho rằng:

Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam đến thăm Trung Quốc, và duy trì mối quan hệ hòa hảo nhất có thể, mà không phải hy sinh chủ quyền, hoặc lợi ích quốc gia, là thực tế của việc ở gần kề một gã hàng xóm khổng lồ, đôi khi hung hãn như Trung Quốc.

Điều đó không có nghĩa là ông Tô Lâm, hay giới lãnh đạo Việt Nam ngả về phía Trung Quốc, dưới bất kỳ hình thức nào.”

BBC dẫn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát từ Việt Nam, cho biết, trọng tâm chính của chuyến công du sẽ là thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, thảo luận sâu hơn về cách giải quyết các vấn đề trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và thúc đẩy quan hệ giữa người dân 2 nước.

BBC cũng cho biết, việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên, chỉ sau chưa đầy 2 tuần được bầu làm Tổng Bí thư, cho thấy, ông muốn gửi thông điệp, Việt Nam luôn ưu tiên đối với Trung Quốc, trong quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó, BBC đánh giá, Trung Quốc xem Việt Nam là một đối tác quan trọng, tuy nhiên, họ lại có yêu sách rất hung hăng trên Biển Đông, nên đây là vấn đề 2 nước cần phải giải quyết, dựa trên luật pháp quốc tế.

BBC dẫn nhận xét của Tiến sĩ Bích Trần, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ở Washington DC, Mỹ, cho rằng, Tổng Trọng đã có mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Tập Cận Bình suốt 12 năm, và điều này “đã góp phần củng cố quan hệ giữa 2 đảng”. Vì vậy:

Việc ông Lâm sớm có cuộc gặp với ông Tập, là bước quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa 2 lãnh đạo, góp phần duy trì và phát triển quan hệ song phương.”

BBC dẫn cách gọi của Giáo sư Carl Thayer, từ Đại học New South Wales, Úc, thì việc nằm sát sườn một quốc gia có tham vọng trên cả lục địa lẫn đại dương, như Trung Quốc, là “sự bạo ngược của địa lý”. Việt Nam không thể tự chọn láng giềng cho mình, vì lẽ đó, phải luôn phải giữ tâm thế cẩn trọng.

BBC nhắc lại, vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ 2 nước, có thể kể đến các sự kiện như: Hải chiến Hoàng Sa vào tháng 1/1974; Chiến tranh Biên giới vào tháng 2/1979; và thảm sát Gạc Ma vào tháng 3/1988.

Ông Greg Poling cho biết thêm, ông Tô Lâm sẽ đến New York vào tháng tới, để tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và sau đó sẽ gặp Tổng thống Joe Biden.

Ông Poling nhận định:

“Điều này chắc chắn khiến Bắc Kinh khó chịu, nhưng tôi không nghĩ Hà Nội sẽ bận tâm. Dù gì đi nữa thì mọi việc liên quan đến Hoa Kỳ và Việt Nam, có quan hệ sâu sắc hơn, cũng sẽ làm Trung Quốc tức giận. Nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi mối quan hệ với Mỹ, để cân bằng với Trung Quốc.

Trung Quốc tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, và ve vãn các lãnh đạo của Việt Nam, theo các kênh quan hệ giữa 2 đảng, cùng lúc, họ vẫn sử dụng biện pháp cưỡng bức, và đe dọa vũ lực, để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.”

 

Ý Nhi – thoibao.de