Lạnh người với các chia sẻ làm truyền thông và kiếm tiền của các sư thầy

Ngày 15/9, RFA Tiếng Việt đăng bình luận của blogger Nguyễn Nhơn, với tựa đề “Thượng tọa Thích Bửu Chánh: Tiền vô như nước sông Đà”.

Tác giả đề cập đến một cuộc họp tại Học viện Phật giáo Việt Nam, được lan truyền trên mạng xã hội gần đây, bàn về cách kiếm tiền cho các chùa. Cuộc họp có sự hiện diện của Thượng tọa Thích Nhật Từ – trụ trì chùa Giác Ngộ, Sài Gòn; Hòa thượng Thích Bửu Chánh – trụ trì Thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai; và khoảng một chục vị sư khác, có nam, có nữ. Tại đây, Thượng tọa Thích Bửu Chánh đã có một bài phát biểu để đời.

Tác giả dẫn “hiến kế” kiếm tiền của Hoà thượng Thích Bửu Chánh, qua Zalo và Viber. Hòa thượng Chánh cho rằng, giữ quần chúng cho Phật giáo là việc phải làm. Những người có điều kiện, họ muốn cúng, thì sẵn dịp đám cưới đám ma gì đó của họ, họ mới chuyển cho mình được. Ít nhiều gì cũng có, góp gió thành bão.

Việc Hoà thượng Chánh biết kiếm tiền qua truyền thông, là nhờ nghe lời khuyên của Thượng tọa Nhật Từ, nên “tiền vô như nước sông Đà”.

Tác giả cho hay, bài phát biểu cực kỳ sinh động của Hòa thượng Thích Bửu Chánh nhận được nhiều tràng cười và vỗ tay ủng hộ.

Tác giả cũng dẫn lời Thượng tọa Thích Nhật Từ, nói trong bầu không khí phấn khởi đó, và chứng tỏ đẳng cấp tuyệt đỉnh của mình:

“Bây giờ nếu chúng ta có một đội truyền thông, thì lúc đầu mình phải bù lỗ, nhưng về sau quý ngài an tâm. Chẳng những con không phải bù lỗ, mà toàn bộ các hoạt động Phật sự của con trong bao nhiêu năm qua, quý ngài thấy, đóng góp cho học viện này nhiều phương diện, tới bây giờ là không dưới 70 tỷ.”

“Cho Viện Phật học Việt Nam cũng là mười mấy hai chục tỷ. Những gì mà con phụ trách, là con đều bỏ tiền túi. Ba lần đại lễ Phật đản toàn quốc, mỗi lần cả chục tỷ, chứ không phải chỉ có đóng góp công sức, chất xám, thời gian không, mà luôn cả nguồn tịnh tài. Cái đó từ đâu ra? Từ các fans hâm mộ trên cộng đồng mạng.”

“Con còn không biết họ là ai, nói thẳng ra vậy, nhưng mình đi tới đâu cũng có người nhận ra mình. Đi tới phi trường, lên máy bay… đâu cũng có người nhận ra, thì đó là cái nguồn an ủi lớn. Bằng cách đó thì có những lời thị phi, cố gắng hoan hỉ coi như không có gì.”

Tác giả dẫn tiếp lời Hòa thượng Thích Bửu Chánh:

“Phải công nhận, Thượng tọa Nhật Từ là người nổi nhứt, nổi tiếng nhứt tức là giỏi nhứt, nhưng cũng bị chửi nhiều nhứt, cho nên có kinh nghiệm để mà hóa giải.”

“Riêng phần con, thì con xin chia sẻ một chuyện. Có một lần, có phái đoàn Đài Loan tới đây, lúc đó con đang ở văn phòng, ngài T.M ngài ra mời sư ở lại dự trai tăng, Đài Loan cúng, cho nên mình ráng mình ở lại, hôm đó chỉ có vài vị trong hội đồng điều hành thôi, thì lúc mà bắt ấn để hóa dường đó, thì con cũng làm bắt ấn luôn, cái ông phóng viên ổng lại chụp cái hình đó rồi ổng đưa lên mạng, như một hình điển hình.”

“Trời ơi! Con bị truyền thông, con bị nó chửi nghĩa là te tua, là ông sư theo Phật giáo nguyên thủy, mà giờ theo bắt ấn này kia… Giờ giải pháp như thế nào? Im lặng là vàng. Mặc kệ nó. Nó nói gì mặc kệ nó, hổng quan trọng.”

“Giờ mình lo, hổng dám làm, thì mình đâu có thành công được. Một lần nữa cảm ơn Thượng tọa Nhật Từ đã khuyến khích con làm truyền thông trong các bài pháp, cho nên bây giờ đi đâu cũng khỏe re à”.

Cách trò chuyện của 2 vị “tu sĩ”, là Thượng tọa Thích Nhật Từ và Hòa thượng Thích Bửu Chánh, được tác giả Nguyễn Nhơn ghi lại nguyên văn. Có thể thấy, dù tác giả không đưa ra bình luận, nhưng mặc nhiên, những từ ngữ, cách nói trong đó đã cho thấy sự trần tục trong suy nghĩ của những người được cho là tu học, là sư thầy dạy Phật pháp, trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay.

 

Minh Vũ – thoibao.de