Dư luận viên đang được chỉ đạo để tấn công bầy đàn trên mạng

Ngày 4/9, RFA Tiếng Việt cho hay “Vụ nam sinh “không thích Đảng” – Xã hội ngột ngạt bởi làn sóng đấu tố online”.

RFA dẫn một số người quan sát, cho rằng, vụ nam sinh Chu Ngọc Quang Vinh, cựu thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia, bị tấn công dữ dội trên mạng xã hội, là một trong chuỗi các vụ đấu tố trên mạng, trong thời gian gần đây, nhằm triệt tiêu bất cứ tư tưởng, hình ảnh, biểu tượng nào, đi ngược lại với lợi ích của chính thể Việt Nam hiện tại.

RFA dẫn bình luận của ông Võ Ngọc Ánh, từ Mỹ, cho rằng, đối với một học sinh đặc biệt như Quang Vinh, khi em này dám nói ra suy nghĩ độc lập của mình, đáng ra nên được khích lệ. Cho dù quan điểm em có thể chưa đúng, chưa chuẩn mực, thì các nhà chức trách cũng nên khuyên giải một cách nhẹ nhàng, hơn là đem cả chính quyền và công an vào cuộc điều tra; cộng đồng mạng dồn dập tấn công, đấu tố.

RFA cũng dẫn nhận xét của một sinh viên ở Sài Gòn, cho rằng, nhóm người chỉ trích Quang Vinh vô ơn, thật ra, cố tình đánh tráo khái niệm giữa đất nước, dân tộc và Đảng. Họ đang đồng nhất cả ba khái niệm thành một. Ngoài ra:

Quyền tự do ý kiến và bày tỏ quan điểm không phân biệt đối tượng, bất kỳ ai đều có quyền này, vậy tại sao, muốn nói về lịch sử lại phải cần tiêu chuẩn của “cộng đồng mạng”?

Trong lịch sử dân tộc, không thiếu những con người có lòng với đất nước và dân tộc, dù bất kể tuổi tác, quan trọng là bạn trẻ nhận thức được vấn đề và lên tiếng cho những điều đó, đấy là điều đáng quý.”

RFA cho biết, dù đã viết lại dòng trạng thái bày tỏ xin lỗi với phát ngôn của mình, nhưng truyền thông nhà nước trong ngày 4/9 vẫn tiếp tục đăng những bài, dẫn chứng sự phẫn nộ của cư dân mạng đối với Quang Vinh.

RFA dẫn tờ VTCNews, trích lời một số tài khoản, bày tỏ sự bức xúc như: Lời xin lỗi ấy liệu có đến từ tâm, hay do áp lực từ cộng đồng mạng ép buộc phải nói ra?; Không phải ai học hành tử tế cũng thành người, không phải cứ xin lỗi là đổi thành không có gì”’.

RFA nhận xét, bất kỳ ai, dù vô tính hay cố ý, thể hiện quan điểm hay xuất hiện cùng các dòng trạng thái đi ngược lại với lợi ích của Đảng, đều có thể trở thành mục tiêu bị đấu tố, công kích trên không gian mạng.

RFA dẫn quan sát của một sinh viên khác, cho hay, trong 3 tháng gần đây, có hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu, như Đại học Fulbright, các nghệ sĩ Việt Nam có hình ảnh liên quan đến lá cờ vàng, hay gần nhất là xu hướng vẽ cờ đỏ trên mái nhà, và bôi nhọ công khai, xúc phạm bất kỳ ai có liên quan đến cờ vàng ba sọc đỏ. Những hành động này diễn ra trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, đặc biệt là TikTok.

RFA dẫn lời sinh viên này, cho rằng:

“Thực chất, những hành động này được tiến hành nhằm mục đích chia rẽ hòa hợp dân tộc, khơi gợi hận thù dân tộc, và gây mâu thuẫn ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Đài Loan. Đằng sau những lực lượng thực hiện hoạt động này là những nhóm lợi ích, gắn chặt quyền lợi với việc chia rẽ dân tộc, và khơi gợi hận thù Việt Nam và Hoa Kỳ, hưởng lợi từ những việc này.”

Theo ông Võ Ngọc Ánh, người có đủ nhận thức thì chỉ cảm thấy buồn cười, và khinh bỉ những chuyện mà dư luận viên đang tích cực làm.

Tuy nhiên, với phần đông người dân Việt Nam hiện nay, theo ông Ánh, họ rất sợ hãi trước những đợt tấn công mạng này:

“Người ta dùng cái nỗi sợ để củng cố cái xã hội này, chứ không phải khích lệ những sự khác biệt, để tìm ra con đường phát triển đúng hơn, phong phú hơn. Người ta chỉ muốn áp đặt thôi. Không chỉ Việt Nam mà tất cả những xã hội Cộng sản, những cái xã hội độc tài đều như vậy hết.”

 

Ý Nhi – thoibao.de