Thời thế đã thay đổi

Ngày 21/8, Blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Việt Nam – quyền lực trong tay ai?”.

Tác giả cho biết, một số thân hữu của ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, blogger Osin, vừa gửi tâm tình của họ về ông lên mạng xã hội, nhân dịp ông tròn 62 tuổi.

Ông Trương Huy San bị tạm giam hôm 7/6, với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Theo tác giả, khoảng 1 tháng sau ngày ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển bị bắt, một viên Đại tá – đại diện Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, cho biết:

Hai người này đã có hành vi vi phạm pháp luật, khi đăng các bài viết có nội dung vi phạm, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Đến nay, cả 2 đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, để xử lý theo quy định của pháp luật.”

Tác giả cho hay, Huy Đức vốn là người thường xuyên bày tỏ suy nghĩ, nhận định về những vấn đề, sự kiện, liên quan đến nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Trần Đình Triển cũng gần như thế, nhưng họ không gặp rắc rối đáng kể nào.

Tác giả nhận xét, trong khoảng 40 năm cầm bút, nhà báo Huy Đức thường chỉ trình bày suy nghĩ, nhận định về vấn đề, sự kiện, rất ít khi chỉ trích nặng lời cá nhân nào đó.

Nhân vật duy nhất bị Huy Đức “chì chiết” suốt nhiều năm, là ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó cũng là một trong những lý do khiến Huy Đức bị phê phán “thiếu khách quan”.

Tác giả lưu ý, Huy Đức đã chỉ trích ông Nguyễn Tấn Dũng, từ khi ông Dũng còn tại chức.

Đầu thập niên 2010, sau khi ông Dũng “tái đắc cử” để tiếp tục đảm nhiệm vai trò Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, từ năm 2006 đến 2016, Osin đã khuấy động dư luận bằng “Ba khâu đột phá của Thủ tướng”.

Tác giả trích một số đoạn trong một bài viết của Huy Đức, để hình dung điều mà một số người cho là, “ân oán” giữa Osin và ông Nguyễn Tấn Dũng, đến từ đâu:

“Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài “nhậm chức” dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai, mà cũng không kiếm được người viết diễn văn, biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ, với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.”

“Thật khó để gạch ra vài đầu dòng nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu, nhất là về mặt chính sách. Nhưng, khác với những người tiền nhiệm của mình, Nguyễn Tấn Dũng đang có cả một nhiệm kỳ trước mắt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng, và cũng có thể là cơ hội bắt đầu, để ông tiếp tục nắm quyền, với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, xét về bản chất, không còn là một quốc gia Cộng sản, mà chỉ là quốc gia độc Đảng.”

“Nếu ông Dũng đòi xét lại định hướng Xã hội Chủ nghĩa, ông cũng sẽ bị tiêu diệt. Các đối thủ của ông sẽ chống ông, không vì niềm tin, mà vì đấy là công cụ tấn công, mà không ai dám cãi” – Huy Đức viết.

Tác giả nhắc lại, thực tế cho thấy, sau khi ông Dũng tuyên bố rút khỏi chính trường, để trở về “làm người tử tế”, di sản mà ông để lại là hàng loạt đại án.

Các viên chức cao cấp như Đinh La Thăng, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước như Trịnh Xuân Thanh, lũ lượt vào tù, và không thể đếm xuể các “đại dự án”, cũng như “dự án” của các tập đoàn nhà nước, tổng công ty nhà nước, thất bại, thua lỗ, do tham nhũng và kém cỏi. Cho dù không có thống kê chính thức, nhưng có thể ước đoán, tổng thiệt hại lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng.

Việc chỉ trích Nguyễn Tấn Dũng, phân tích, nhận định về hậu họa mà Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm tạo ra, liệu giờ đây có thành “tội”, vì “thời thế đã thay đổi”? – Tác giả Trân Văn đặt câu hỏi.

 

Ý Nhi – thoibao.de