Tô Lâm đưa Vũ Hồng Văn ngồi vào ghế Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương: Chuyện có gì mà ầm ĩ

Tại Hội nghị Trung ương bất thường ngày 3/8, Chủ tịch nước Tô Lâm đã được Ban Chấp hành Trung ương “suy tôn”, để trở thành Tổng Bí thư, kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng đã qua đời.

Từ một cựu Bộ trưởng Bộ Công an, chỉ sau hơn 2 tháng, kể từ khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã nhanh chóng đoạt được chiếc ghế quyền lực cao nhất trong Đảng.

Điều đó cho thấy, Tô Lâm là một chính khách tài trí hơn người, trong nội bộ Đảng. Ông đã “tạo sóng”, gây nên những bất ổn trong nội bộ lãnh đạo thượng tầng, tạo điều kiện cho cá nhân ông giành được quyền lực.

Theo giới phân tích, khác với Tổng Trọng – một nhân vật điển hình cho sự giáo điều và bảo thủ. Tô Tổng là một người thực dụng, không tin vào những học thuyết mang tính giáo điều. Tô Lâm kém Tổng Trọng 20 tuổi, là người của thế hệ mới, biết sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh. Đó là lý do, thế giới quan của Tô Lâm tiến bộ hơn Tổng Trọng nhiều lần.

Các nhân vật mà Tổng Trọng lựa chọn kế nhiệm ghế Tổng Bí thư, phải là những nhân vật “lưỡi gỗ”, có thể nằm lòng Chủ nghĩa Marx – Lenin, như Võ Văn Thưởng hay Vương Đình Huệ.

Đó là lý do vì sao, trong danh sách nhân sự dự trù cho chức Tổng Bí thư Đại hội 14, lại không có tên của Tô Lâm. Tuy Tô Lâm được đánh giá là nhân vật có quyền lực vô đối trong Đảng, song, trên thực tế, ông cũng chỉ là tay sai của Tổng Trọng. Tổng Trọng chỉ đâu, Tô Lâm đánh đấy.

Kết quả là, tiếng thơm ông Trọng hưởng trọn. Ngược lại, những chuyện bê bối, bẩn thỉu, thì ông Trọng đổ hết cho Tô Lâm. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, nếu không có chỉ thị từ Tổng Trọng, thì Tô Lâm có ăn gan hùm cũng không dám vi phạm luật pháp quốc tế, vì có thể bị kỷ luật như chơi.

Đó cũng là lý do, Bộ trưởng Công an Tô Lâm phải tạo dựng phe cánh, bài binh bố trận, với trăm mưu ngàn kế, để có thành quả như ngày hôm nay. Bất chấp việc các thế lực “kình địch” trong Đảng, đã và đang hợp sức chống lại tân Tổng Bí thư, cho rằng, ông không có đủ tư cách, đạo đức, cũng như phẩm chất, để trở thành người đứng đầu của Đảng và nhà nước.

Trên cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước trong thời gian còn lại của Đại hội 13, với mục tiêu trở thành Tổng Bí thư trong Đại hội 14, Tô Lâm phải củng cố lực lượng để tiến hành thâu tóm tất cả các chức vụ quan trọng trong Đảng và nhà nước, cho đàn em và cộng sự của ông.

Mới đây, Thiếu tướng Vũ Hồng Văn – Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vừa được Bộ Chính trị điều động giữ chức Phó Chủ nhiệm cơ quan này.

Trong khi đó, có những đồn đoán rằng, Tô Tổng đưa Võ Hồng Văn – vừa là đồng hương Hưng Yên vừa là họ hàng bên vợ đầu của mình – vào chức vụ này, để chuẩn bị cho ông Văn ngồi vào vị trí của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay cho Trần Cẩm Tú.

Theo giới thạo tin, Vũ Hồng Văn là công an nghĩa vụ, không được đào tạo, nhưng vì có quan hệ như trên, nên được chuyển ngạch thành quân nhân chuyên nghiệp, với quân hàm kịch khung chỉ đến Thiếu tá. Vậy mà, Vũ Hồng Văn vẫn có thể nhảy lên được cấp Tướng, cùng hoạn lộ thênh thang như đã thấy.

Việc đưa Vũ Hồng Văn về Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban này, cũng nằm trong “lộ trình” cài cắm chân rết của Tô Lâm vào các Ban Đảng.

Theo giới phân tích, việc Tô Lâm tạo dựng phe cánh, sử dụng các đồng hương Hưng Yên, hay họ hàng thân thích, vào những vị trí trọng yếu, là điều dễ hiểu. Nhưng nếu Tô Tổng không thực hiện việc bổ nhiệm người của mình một cách “cấp tập” như hiện nay, thì có lẽ công luận sẽ ít chú ý và ít bất bình hơn. Điển hình là trước đó không lâu, Trung tướng Phạm Thế Tùng, người Hưng Yên, được bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, ngày 30/7 vừa qua.

 

Trà My – Thoibao.de